TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ VÕ VĂN TẦN - QUẬN TÂN BÌNH

I. TÓM LƯỢC TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN TẦN

Võ Văn Tần (21/08/1891 - 28/08/1941)

Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1894 tại thôn Bình Thủy, làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay là tỉnh Long An). Cha là ông Võ Văn Sự và mẹ là bà Nguyễn Thị Toàn là người con thứ 7 trong số 11 anh chị em.

Đồng chí xuất thân trong một gia đình nông dân thuần túy. Ông ngoại là người Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Tuy đông con nhưng cha mẹ đồng chí vẫn cố gắng nuôi nấng, dạy dỗ nên đồng chí được học hành đầy đủ cho tới lúc khôn lớn.

Từ nhỏ đồng chí đã được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Vào những năm 1920-1925 đồng chí mở trừơng và dạy học, kiêm nghề bốc thuốc trị bệnh cho đồng bào trong làng. Sau đó lên Chợ Lớn làm nghề kéo xe, rồi lại trở về quê làm Biện làng để kiếm sống. Chính trong điều kiện lao động., được đi nhiều nơi, được tiếp súc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, cùng với truyền thống của gia đình đã khơi dậy trong đồng chí tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh muốn tìm ra con đường cho nhân dân lao động thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than.

Năm 1926, đồng chí gia nhập “Hội kín Nguyễn An Ninh” ở Sài Gòn – Gia Định nhưng mục đích và tôn chỉ của hội không thỏa mãn nguyện vọng Cách Mạng của đồng chí. Hoạt động không bao lâu, cũng trong năm 1926 đồng chí chuyển sang tham gia hoạt động trong tổ chức “Việt nam thanh niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” cùng với người em ruột là đồng chí Võ Văn Ngân (Tiền thân của Đảng Cộng Sản Đông Dương). Đồng chí đã đi vận động tuyên truyền Cách Mạng cho các tầng lớp nhân dân lao động vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Đặc biệt ở Hóc Môn, Bà Điểm và Đức Hòa, hai anh em đã gây dựng được nhiều cơ sở của những người yêu nước. Được nhân dân yêu mến thường gọi các đồng chí là “anh Hai Vườn trầu” hoặc “Ông già trầu” vì cốt cách đơn giản, bình dân.

Năm 1929 khi tổ chức An Nam Cộng Sản Đảng ra đời, đồng chí trở thành một trong những Đảng viên tiền bối của Đảng. Đến năm 1930 khi hợp nhất các Đảng của 3 miền, Đồng chí cũng là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, thế hệ tiên phong của Nam Kỳ. Nhiều cơ sở Cách Mạng ở Đức Hòa đã được Đồng chí gây dựng như Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh, Đức Hòa …

Sau hội nghị hợp nhất Đảng Cộng Sản Đông Dương (03/02/1930) ngày 06/03/1930 đồng chí thành lập chi bộ Đức Hòa và được bầu làm bí thư, chi bộ gồm có 7 đồng chí Đảng viên là: Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Sậy, Nguyễn Văn Thỏ và Nguyễn Văn Ngọc. Sau đó các Chi bộ khác ở Đức Hoà cũng đuợc thành lập và đồng chí được tín nhiệm cử làm bí thư Huyện uỷ đầu tiên ở Đức Hoà.

Ngày 04/06/1930 theo chủ trương chung của Liên Tỉnh Uỷ Chợ lớn- Gia Định, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Châu Văn Liêm, Huyện Uỷ Đức Hoà đã chỉ đạo và tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ ở quận Đức Hoà với sự tham gia cua hơn 10 ngàn quần chúng. Trong cuộc biểu tình này, một số đông đồng bào tham gia biểu tình và Đồng chí Châu Văn Liêm bị bắn chết. Đồng chí Võ Văn Tần lãnh đạo đoàn biểu tình đi từ Bàu Trai xuống Đức Hoà. Thực dân Pháp đã không bắt được đồng chí nhưng chúng đã mở phiên toà xử tử hình vắng mặt đồng chí ở Chợ Lớn.

Đầu năm 1931 đồng chí hoạt động tại địa bàn Tân Thới Thượng (Hóc Môn) xây dựng phong trào. Tháng 3 năm 1931 Đồng chí tham gia cùng với Xứ Uỷ lãnh đạo cuộc bãi công của hơn 400 công nhân nhà máy dầu Xô Cô Ny (Nhà Bè). Tháng 6 năm 1931 Đồng chí được cử làm bí thư Tỉnh Uỷ Chợ Lớn thay cho Đồng chí Lê Quang Sung vừa bị bắt.

Tháng 6 năm 1932 đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên Huyện Uỷ Hóc Môn- Bà Điểm- Đức Hoà và tổ chức viết báo “Cờ Lãnh Đạo” (Trụ sở đặt tại ấp Nhơn Hoà xà Đức Thượng ngày nay). Cuối năm 1932, đồng chí được cử làm bí thư Tỉnh Uỷ Gia Định.

Tháng 5 năm 1933 Đống chí được cử về hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, thành lập Tỉnh Uỷ Lâm Thời Tỉnh Mỹ Tho. Tháng 5/1935 đồng chí được Trung Ương Đảng cử vào Ban Thường Vụ Xứ Uỷ. Tháng 7/1935 đồng Chí chỉ đạo Tỉnh Uỷ Gia Định ra tờ báo “Lao Động” số đầu tiên. Cuối năm 1935 sau Hội Nghị Đại Biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, đồng chí được Trung Ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ Uỷ và được bầu bổ sung vào Ban Chấp Hành Trung Ương.

Từ năm 1936 đến năm 1940, đồng chí đã góp phần tích cực vào sự thành công của các hội nghị Trung Ương Đảng lần 4, 5 và 6. Tháng 11/1939 tại ấp Tây Bắc Lân (Làng bà Điểm) trong hội nghị Trung Ương Đảng lần 6, đồng chí ủng hộ đề nghị của Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ về việc thành lập “Mặt Trận Dân Tộc Thống nhất Phản Đế” phù hợp với tình hình mới, chuẩn bị tiến tới phong trào quần chúng tổng khởi nghĩa, chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ

Ngày 18/1/1940 đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp xây dựng các đội tự vệ võ trang ở các cơ sở, các tổ chức Nông Hội, Công Hội và Thanh Niên Phản Đế, để tiếp tục chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ vào 9/1940

Ngày 14/7/1940 đồng chí bi địch vây bắt trong khi Xứ Ủy và Ban Lãnh Đạo Khởi Nghĩa đang họp tại ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn). Địch đã sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man nhất hòng khuất phục đồng chí. Nhưng đồng chí vẫn kiên cường không khai báo một lời nào và nhận trách nhiệm cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ về phía mình. Đồng chí luôn căn dặn các Đồng chí khác:” dẫu bị tra tấn đến đâu, các anh em cũng đừng khai, để tôi nhận hết cho”.

Bất lực trước việc dùng đòn tra tấn và cám dỗ, thực dân Pháp phải đưa đồng chí ra Toà án Binh ở Sài Gòn để xét xử. Trong hai phiên toà ngày 25/3/1941 và ngày 3/4/1941, thực dân Pháp đã buộc đồng chí Võ Văn Tần và các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai vào tội “Có trách nhiệm tinh thần về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ” - “Xúi giục dân chúng làm loạn Quốc gia” và kết án tử hình các đồng chí trên.

Ngày 28/08/1941 (nhằm ngày mùng 6 tháng 7 Âm lịch) các Đồng chí Võ Văn Tần, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến bị đem ra xử bắn công khai tại trường bắn giếng nước Hóc Môn (Nay là bệnh viện Hóc Môn). Trước lúc hy sinh, tất cả các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu:

Đảng Cộng Sản Đông Dương Muôn Năm”

“Cách Mạng Việt Nam Thành Công Muôn Năm”

 

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH TRƯỜNG THCS VÕ VĂN TẦN

1. Hình thành

Cùng với sự biến động dữ dội của lịch sử, từ trước năm 1954, những di dân từ vùng châu thổ Thu Bồn đã phải rời những bãi dâu xanh ngắt, những nong kén vàng ươm, vườn mía ngọt ngào, luỹ tre làng với nhánh sông xanh hiền hoà êm đềm ... để đến lập nghiệp tại vùng đất phía Nam có cái tên Tân Bình. Và cũng từ đó, với truyền thống lao động cần cù , chịu thương chịu khó ,họ đã tạo nên làng dệt Bảy Hiền giàu truyền thống. An cư tất lạc nghiệp. Nhu cầu học tập cũng trở nên cấp thiết hơn nhất là với truyền thống hiếu học người dân Xứ Quảng. Năm 1972, một ngôi trường nhỏ ra đời bằng sự đóng góp của đồng bào Phật tử khu Bảy Hiền và một số vị mạnh thường quân với tên gọi đầu tiên: trường tư thục Bồ Đề Hạnh Đức. Cơ sở vật chất ban đầu là hai dãy nhà một trệt một lầu với 16 phòng. Ban Giám Hiệu đầu tiên là các vị cao tăng chùa Phổ Hiền. Những học sinh đầu tiên là những con em khu dệt Bảy Hiền . Hàng ngày, tiếng thoi đưa, tiếng máy dệt ồn ào của phố dệt Bảy Hiền đã đồng hành cùng lời giảng dạy của thầy cô cùng tiếng đọc bài rộn rã của các em học sinh.

2. Tiến trình phát triển

Năm 1975, cùng với niềm vui hoà bình và thống nhất đất nước, trường được Nhà nước tiếp quản với tên mới là Trường cấp 1-2 Hạnh Đức. Cô Đỗ Thị Tuyết được phân công làm Hiệu trưởng đầu tiên sau ngày giải phóng. Mười năm sau - - năm 1985, do tình hình phát triển dân cư ở phường 11 và các khu vực lân cận, được sự quan tâm của lãnh đạo Quận uỷ -Uỷ ban, trường đã được mở rộng thêm một tầng với 8 phòng học. Năm 1986, trường chính thức được vinh dự mang tên anh hùng liệt sĩ Võ Văn Tần, nguyên là Bí thư Xứ ủy Nam kì. Tên trường đổi thành: trường phổ thông cấp I, II Võ Văn Tần. Đến năm 1989, theo chỉ đạo chung về tách cấp học, trường chuyển thành Trường PTCS Võ Văn Tần với số lượng học sinh và số giáo viên cũ cùng với học sinh và giáo viên từ trường PT cấp 1,2 Nguyễn Khuyến (trường Nguyễn Khuyến trở thành trường tiểu học).

Hiệu trưởng khi ấy là thầy Đinh Chí Thiện (nguyên là Phó HT của trường). Đến năm 1993, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trường được đầu tư xây dựng thêm một dãy lầu với 1 trệt 2 lầu tạo nên dáng dấp cơ bản của trường THCS Võ Văn Tần hiện nay. Từ đó, sân trường rộng, sạch cộng với những công trình phụ trợ phục vụ học sinh, giáo viên cũng liên tiếp được đầu tư sửa chữa như phòng giáo viên, phòng thí nghiệm, nhà vệ sinh …. đã ngày càng làm bộ mặt của nhà trường thêm khang trang hơn.

Tháng 12 năm 2003, Quận Tân Bình chia tách thành 2 quận là Tân Bình và Tân phú. Theo yêu cầu của ngành, trường được phân công tiếp nhận học sinh bán công. Đến tháng 8 / 2004 trường chính thức chuyển sang hệ bán công. Khi ấy, với nhiều lý do khác nhau, nhiều giáo viên cốt cán lần lượt rời khỏi trường. Trường THCS Võ Văn Tần đứng trước khó khăn thách thức. Nhưng chính trong giai đoạn khó khăn này, các giáo viên trẻ của trường đã thể hiện ý thức trách nhiệm, lòng yêu nghề đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm.  Các lứa học sinh lại tiếp tục tiếp bước những lớp đàn anh, đàn chị gương cao ngọn cờ truyền thống Võ Văn Tần. Năm học 2009-2010, trường chính thức chuyển đổi trở lại thành trường THCS Công lập. Bước vào năm học 2012-2013, trường có 29 lớp với 1.145 học sinh (có 2 lớp tăng cường tiếng Anh) và 65 CB-GV-NV.

3. Thành tích đạt được

Truyền thống đào tạo và học tập của trường cũng thêm giàu thành tích. Những tháng năm thành công rực rỡ của trường được Ban Lãnh Đạo Phòng Giáo Dục Tân Bình đánh giá cao. Dưới sự lãnh đạo của các thầy cô Ban Giám hiệu cùng với đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững vàng, trường đã đào tạo nhiều học sinh giỏi đạt nhiều thành tích.

- Năm 1980 -1990: trường có nhiều học sinh đạt giải nhất môn Hóa học cấp Quận

- Năm các năm 1990, 1999, 2000 có học sinh Giỏi môn Văn và môn Sinh học cấp Thành phố

- Năm học 2000-2001, trường đã đạt những thành công to lớn làm nền tảng cho những thành công của các năm học sau. Đó là: 1 giáo viên đạt giải II Hội thi Viên Phấn Vàng môn Sinh học (thầy Dương Thành Tài), 16 học sinh Giỏi cấp Quận, 1 học sinh đạt giải I, 2 học sinh đạt giải II, 1 học sinh đạt giải III cấp Thành phố các môn Sinh học, Văn và Địa lý, giải I đồng đội Hội thi tìm hiểu về HIV/AIDS, giải I Hội thi Kể chuyện Tiếng Anh lớp 8, giải Nhất Hội thi Đố vui Hình học lớp 7 do Phòng GD-ĐTân bình tổ chức.

- Năm học 2001 -2002, trường Võ Văn Tần lập thành tích khá phấn khởi với kết quả:

+ Trường có 18 học sinh được chứng nhận học sinh giỏi cấp quận  gồm : 3 giải nhất môn Sinh học  (2 ) và Anh văn (1), giải ba môn Địa lí, giải 4 môn Sinh, giải 8 môn Địa, giải 10 môn Anh … Ở cuộc thi cấp thành phố, trường có 6 HS tham gia đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp thành phố, 5/6 học sinh của trường đã đem lại vinh dự cho quận nhà, cho trường gồm:   Thủ khoa môn Sinh  - hai giải II môn Sinh – giải III môn Anh – giải III môn Địa và em Hồ Trần Kim Tuyến đã đạt giải khuyến khích kì thi viết thư UPU lần thứ  31, lần đầu tiên đã ghi tên ngôi trường nhỏ bé này vào danh sách các trường đoạt giải quốc gia.

Từ các thành tích trên, trường Võ Văn Tần đã vinh dự đón nhận các danh hiệu thi đua:

- Từ năm 2000 đến năm 2002: Trường Tiên tiến cấp Quận

- Năm học 2002 đến nay: Trường Tiên tiến cấp Thành phố

- Năm học 2005 -2006 trường được Ủy Ban Nhân Dân Quận Tân Bình khen tặng trường đạt thành tích cao trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm liền.

- Năm học 2007 – 2008 nhà trường vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Năm học 2009 – 2010 nhà trường vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

- Năm học 2013-2014 được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

 

Cổng trường Trung học cơ sở Võ Văn Tần cơ sở 1

Lịch sử phát triển của nhà trường trong gần 40 năm qua đã thể hiện tính cách của đồng bào xứ Quảng là truyền thống cách mạng và cần cù trong lao động. Trong cao trào chống Mỹ tại Sài Gòn, làng dệt Bảy Hiền là một trong những trung tâm xuất kích của các lực lượng hoạt động bí mật và quần chúng yêu nước (hiện đang được đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTNDVN) . Bên cạnh đó, truyền thống hiếu học là đặc điểm nổi bật của người dân xứ Quảng. Người dân làng dệt Bảy Hiền, một mặt tích cực phát triển nghề dệt, mặt khác rất quan tâm đến việc học tập của con em mình. Điều này đã tác động tích cực đến việc phát triển cơ sở vật chất và thành tích dạy - học của nhà trường. Ban Đại diện Cha Mẹ học sinh nhiều năm liền đã nhận được bằng khen của các cấp lãnh đạo về thành tích hỗ trợ, đóng góp cho mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.

Cổng trường Trung học cơ sở Võ Văn Tần cơ sở 2

 

Vượt ra khỏi tầm vóc nhỏ bé của một ngôi trường khá khiêm tốn về cơ sở vật chất, trường Võ Văn Tần đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Tiềm năng của trường là sức phấn đấu không ngừng của cả Hội đồng sư phạm và tập thể học sinh. Bên cây bàng đã gần ba mươi năm tuổi, ngôi trường nhỏ bé Võ Văn Tần mang dấu ấn lịch sử về sự phát triển của làng dệt Bảy hiền nay lại sáng lên sức sống trẻ trung, tươi tắn với màu sắc và khí thế mới. Chúng ta cùng chúc cho sự phát triển ổn định và vững vàng của ngôi trường và tập thể sư phạm nhà trường quyết tâm phấn đấu để đạt thêm những thành tích mới để đưa trường Võ Văn Tần tiến lên một tầm cao mới.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC PHÒNG: BAN GIÁM HIỆU

1. Hiệu trưởng: Thầy Hồ Vĩnh Thịnh

2. Phó Hiệu trưởng: Cô Hoàng Thị Như Hiền

3. Phó Hiệu trưởng: Cô Bùi Thị Ngọc Lý

IV. HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

IV. THÔNG TIN LIÊN HỆ

Trường Trung học cơ sở Võ Văn Tần

Địa chỉ:

Cơ sở 1: 261 Võ Thành Trang, Phường 11, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

Cơ sở 2: 62 Phan Sào Nam, Phường 11, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 6268 0596

Email: vovantan.edu@gmail.com

 

 

Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị